Nhập cung Dương quý phi

Nhập cung làm Đạo cô

Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, cũng gọi Đường Minh Hoàng.

Đời nhà Đường, Đường Huyền Tông Lý Long Cơ là một trong những vị Hoàng đế trị vì lâu hơn cả. Các phi tần được Huyền Tông sủng ái sinh cả thảy 59 người con, trong số đó có 30 trai và 29 gái. Phi tần được ông sủng ái nhất là Võ Huệ phi, một người cháu của Võ Tắc Thiên, khi đó lễ nghi trong cung của bà không khác gì Hoàng hậu, nhưng bà vẫn không được phong Hoàng hậu vì lẽ bà là người trong tộc họ Võ. Để an ủi bà, Huyền Tông đối với Huệ phi vượt hẳn hơn nhiều các phi tần khác. Với Đường Huyền Tông, Võ Huệ phi sinh được bảy con, trong đó Thọ vương Lý Mạo (李瑁) là người con trai duy nhất sống sót qua tuổi trưởng thành.

Năm Khai Nguyên thứ 21 (733), khi 14 tuổi, Dương thị lấy thân phận ["Trưởng nữ của Hà Nam phủ Sĩ tào Tham quân Dương Huyền Diễn"] mà được chọn làm Vương phi của Thọ vương Mạo, Dương thị do vậy trở thành [Thọ vương phi; 壽王妃][15]. Năm thứ 25 (737), Võ Huệ phi đột ngột qua đời. Sau khi Huệ phi mất, Đường Huyền Tông thường hay buồn rầu, ngày nhớ đêm thương, lập Tập Linh đài để cầu siêu cúng vái cho vong hồn Huệ phi được sớm siêu thoát về cõi tiên. Cũng trong thời gian này ông gặp Dương phi.

Về việc gặp gỡ giữa Huyền Tông và Dương phi, rất ít tư liệu ghi lại. Sách Cựu Đường thư không nói Dương thị vốn là Thọ vương phi, mà chỉ ghi: ["Hoặc tấu Huyền Diễm nữ tư sắc quan đại, nghi mông triệu kiến. Thời Phi y đạo sĩ phục, hào viết Thái Chân"; 或奏玄琰女姿色冠代,宜蒙召见。时妃衣道士服,号曰太真。]. Vào thời ấy, Dương phi là con dâu của Đường Huyền Tông, nếu Huyền Tông nạp Dương thị làm cung phi, tức là loạn luân, rất có thể Cựu Đường thư cố ý bỏ qua thông tin "Thọ vương phi", chỉ ghi như thể Huyền Tông nạp cung nhân bình thường. Trong Tân Đường thư, thông tin Dương thị là Thọ vương phi được ghi rõ, còn ghi có người tấu nói Dương thị ["Tư chất thiên đĩnh, nghi sung Dịch đình"; 姿质天挺,宜充掖廷]. Liền đó vào năm thứ 28 (740), tháng 10, lấy danh nghĩa cầu phúc cho Đậu Thái hậu, Huyền Tông yêu cầu Thọ vương phi Dương thị nhập cung làm Đạo sĩ, hiệu 「Thái Chân; 太真」[16][17].

Có truyền thuyết lại nói: Một hôm, Cao Lực Sĩ đi qua phủ Thọ vương thấy Dương phi là giai nhân tuyệt sắc, tinh thông ca vũ bèn nghĩ rằng có lẽ mỹ nhân này thay được Võ Huệ phi. Nhân buổi hầu, Cao Lực Sĩ mật tấu với Huyền Tông, truyền đưa Dương thị vào Tập Linh đài để trông coi đèn nhang sớm hôm cầu nguyện cho Võ Huệ phi. Do đó, Thọ vương phi Dương thị phải vào Hoa Thanh cung, đến Tập Linh đài làm Nữ Đạo sĩ. Đường Huyền Tông trông thấy Dương phi, lập tức si mê ngay. Ông muốn nàng ta vào cung nhưng lại vướng ngại chuyện là con dâu. Cao Lực Sĩ bèn ngày đêm nghĩ ra cách đưa Vi thị làm Thọ vương phi thay thế, do đó Huyền Tông mới nạp Dương thị vào cung.

Đắc sủng phong Quý phi

Dương Quý phi đang ngắm hoa anh đào trong tranh vẽ họa sĩ Nhật Bản, thời Edo.

Năm Thiên Bảo thứ 4 (745), tháng 7, Thọ vương Lý Mạo lấy con gái của Vi Chiêu Huấn (韋昭訓) làm kế phi. Không rõ thời gian mà Đường Huyền Tông ra chỉ cho Dương Thái Chân hoàn tục. Chỉ biết vào tháng 8, một tháng sau khi Lý Mạo lấy Vi thị, Hoàng đế ra ý chỉ phong Dương thị làm Quý phi, do vậy Dương thị là [Thứ mẫu] của Lý Mạo.

Trong cung, Dương Quý phi được gọi là 「Nương tử; 娘子」, theo lệ cũ của Võ Huệ phi mà được cung phụng đồ vật dụng không khác gì Hoàng hậu[18][19]. Dương Quý phi hiển quý, nên gia đình bà cũng được gia ân. Đường Huyền Tông truy phong cha của Quý phi là Huyền Diễm làm Thái úy, tước Tề quốc công (齊國公), mẹ[20] được phong Lương Quốc phu nhân (凉國夫人), một người chú khác của Quý phi là Dương Huyền Khuê trở thành Quang lộc khanh, anh họ Dương Tiêm (楊銛) thụ phong Hồng lư khanh. Đường Huyền Tông còn cho lập từ đường họ Dương, được Huyền Tông đích thân ban chữ để soạn văn bia[21].

Ba người chị của Quý phi, Huyền Tông nghe tiếng cũng có tài hoa nên đều được thiện đãi phong tước, còn gọi là [Di; 姨] như người nhà. Người lớn là Đại di, thụ phong Hàn Quốc phu nhân (韓國夫人), người thứ 3 là Tam di thụ phong Quắc Quốc phu nhân (虢國夫人), và người nhỏ nhất (thứ 8 trong nhà) là Bát di thụ phong Tần Quốc phu nhân (秦國夫人). Ba vị phu nhân ra vào trong cung, nghi trượng người ngựa đều rất khuynh trời động đất[22][23], Huyền Tông còn đặc biệt mỗi tháng ban mấy quan tiền cho cả 3 vị phu nhân, lấy đó làm tiền mua son phấn tư trang[24]. Gia tộc họ Dương mau chóng quý hiển tột bậc. Mỗi khi 3 vị phu nhân nhập triều, em gái của Huyền Tông là Ngọc Chân công chúa (玉真公主) cùng các vị mệnh phụ khác đều không dám tranh đường đi trước. Hai con gái của Huyền Tông, là Kiến Bình công chúa (建平公主) cùng Tín Thành công chúa (信成公主) đắc tội với Dương Quý phi, liền bị thu hồi ban thưởng. Phò mã đô úy Độc Cô Minh (独孤明) cũng bị miễn quan[25]. Một vị Phò mã khác là Trình Xương Duệ (程昌裔), chồng của Quảng Bình công chúa (廣平公主), do bất bình với nhà họ Dương mà ẩu đả với gia nô nhà họ Dương, cuối cùng Huyền Tông tuy giết gia nô họ Dương nhưng cũng bãi miễn quan chức của Phò mã[26].

Vào thời điểm đó, Đường Huyền Tông đã 61 tuổi, còn Dương Quý phi cũng chưa đến 30 tuổi. Hoàng đế say đắm Dương Quý phi, chiều chuộng bà hết mực, như cuộc đi tắm suối của bà tại Hoa Thanh cung (華清宮) mỗi lần tốn hàng vạn bạc của quốc khố và làm chết hàng trăm mạng người, ông cũng thẳng tay, không chút tiếc rẻ. Dương Quý phi đã đẹp lại có tài gẩy tì bà, giỏi về âm nhạc. Bên cạnh âm nhạc, Dương Quý phi còn biết múa, lại đặt được nhiều khúc hát và điệu múa làm cho Huyền Tông càng thích thú say sưa hơn, nổi tiếng nhất chính là điệu múa 「Nghê thường vũ y khúc; 霓裳羽衣曲」 tương truyền do Đường Huyền Tông chế tác và Dương Quý phi đích thân múa, đây là một bản ca vũ huyền thoại được lưu truyền mãi về sau. Mỗi khi Huyền Tông đi ra ngoài, Quý phi không khi nào không tùy giá, xe ngựa đều do Cao Lực Sĩ đích thân cầm dây cương. Trong cung viện của Quý phi đều có tới 700 thợ làm dệt lụa may áo, thợ điêu khắc làm đồ đá đồ ngọc cũng hơn 100 người[27][28].

Theo Trịnh Xử Hối ghi chép trong "Minh Hoàng tạp lục", sau khi Quý phi được thụ phong không lâu, Lĩnh Nam có dâng một con chim anh vũ có thể bắt chước tiếng người, Huyền Tông và Quý phi rất ưa thích, gọi nó là Tuyết Hoa nữ (雪花女), kẻ hầu trong cung gọi thành Tuyết Hoa nương (雪花娘), cực kỳ tôn sùng và kính trọng không kém gì đối với Quý phi. Khi ấy, Đường Huyền Tông lệnh cho các thầy dạy ngôn ngữ trong cung tập cho con chim này nói tiếng người, liền khiến nó có thể ngâm nga thơ từ. Mỗi khi Huyền Tông đánh cờ cùng các Thân vương, gặp lúc bất lợi mà kẻ hầu không dám can, đều nói nhỏ con chim anh vũ này, nó sẽ bay ra quậy tung bàn cờ, giữ lại thể diện cho Huyền Tông. Về sau chim anh vũ bị diều hâu mổ chết, Huyền Tông và Quý phi làm hẳn một khu mộ cho nó, gọi là Anh Vũ trủng (鹦鹉冢). Thông qua câu chuyện về chim anh vũ nhỏ được Huyền Tông đặc biệt quý trọng, Trịnh Xử Hối cũng khẳng định được ân sủng mà Huyền Tông dành cho Dương Quý phi.

Ngoại thích họ Dương

Khi ấy, một người anh họ cùng tổ phụ của Quý phi là Dương Chiêu được phong làm Tể tướng và được đổi tên là 「Quốc Trung; 國忠」. Nguyên lai Quốc Trung không có học vấn, hay sa vào thú vui đánh bạc, nhưng do ảnh hưởng của Dương Quý phi mà bái làm Tể tướng, rồi vào triều cầm giữ triều chính. Sau thời thịnh trị Khai Nguyên, Đường Huyền Tông cao tuổi sa vào hưởng lạc, không còn nhiệt tình với chính sự, giao toàn quyền triều chính cho Dương Quốc Trung. Người đương thời đối với Dương Quốc Trung lộng quyền, ba vị phu nhân lấn át mệnh phụ công chúa trong cung cũng sinh ra oán hận đối với nhà họ Dương, cho là tà môn ngoại thích. Nhiều truyền thuyết cũng thêu dệt về Dương Quý phi tranh sủng, dung túng ngoại thích với hình ảnh không mấy hay ho.

Theo đà ân sủng không dứt của Dương Quý phi, hai con trai của Dương Quốc Trung, con thứ là Dương Xuất (杨昢) được gả con gái của Huyền Tông là Vạn Xuân công chúa (萬春公主), con cả là Dương Huyên (杨暄) được gả Diên Hòa quận chúa (延和郡主), một người em khác của Quý phi và Quốc Trung tên là Dương Giám (杨鑒) được gả Thừa Vinh quận chúa (承榮郡主)[29][30]. Đặc biệt là người con của Dương Huyền Khuê, tức cháu của Quý phi tên là Dương Kỹ (楊锜), được thụ phong Thị ngự sử và được gả Thái Hoa công chúa (太華公主), con gái của Huyền Tông với Võ Huệ phi. Do Võ Huệ phi khi ấy truy tặng Hoàng hậu, Thái Hoa công chúa chẳng khác Đích công chúa nên lễ nghi đều hơn các công chúa khác, Dương Kỹ được thơm lây, cùng công chúa được ban Giáp đệ ở tại trong cung[31]. Khi đó, nhà họ Dương tổng cộng có 5 nhà đại diện, là nhà của 3 bị em họ Dương, nhà của Quốc Trung cùng nhà của Dương Kỹ (lại nói là nhà Dương Tiêm), được xưng gọi 「Ngũ gia; 五家」 hay 「Dương gia Ngũ trạch; 楊家五宅」[32], quyền thế ngút trời, từ trung ương đến địa phương, quan viên các cấp đều tranh nhau mang quà cáp và thiết mời đến dòng dõi họ Dương, tấp nập vô cùng[33]. Tương truyền mỗi khi Huyền Tông cùng Quý phi đến Hoa Thanh cung thì xe ngựa kẻ hầu của Ngũ gia đều hộ tống, tạo nên cảnh tượng "Ngũ gia hợp đội, Ngũ thải tân phân", trên đường đi đều rơi rớt châu báu lụa là quý hiếm, kẻ nghèo hèn tranh đến khói lửa mù mịt[34]. Đương thời họ Dương được xưng 「Dương thị nhất môn thượng Nhị công chúa, Nhị quận chúa; 楊氏一門尚二公主、二郡主」, có thể nói khí thế không nhà nào sánh bằng[35]. Các người con của 3 vị phu nhân tuy không được xem là "Dương gia" nhưng cũng là họ hàng có liên quan, trong đó con gái của Hàn Quốc phu nhân là Thôi thị được cưới làm Chính phi cho Quảng Bình vương Lý Thục - Hoàng trưởng tôn của Đường Huyền Tông, con trai của Quắc Quốc phu nhân là Bùi Huy (裴徽) được gả con gái của Lý Thục tức Diên An công chúa (延安公主), con trai của Tần Quốc phu nhân là Liễu Quân (柳鈞) được gả Trường Thanh huyện chúa (長清縣主), người chú của Liễu Quân là Liễu Đàm (柳潭) được gả con gái của Thái tử Lý Hanh tức Hòa Chính công chúa (和政公主)[36]. Về sau, Dương Tiêm và Tần Quốc phu nhân đều mất sớm, còn lại 2 vị phu nhân cùng nhà Dương Quốc Trung là thịnh sủng lâu nhất[37].

Trong thời gian nắm quyền, Dương Quốc Trung có mâu thuẫn gay gắt với An Lộc Sơn, đây có thể xem là mầm mống gây ra Loạn An Sử. Nguyên lai An Lộc Sơn là người Liễu Thành, tên thật là An Rokhan, người dân tộc Túc Đặc. Lộc Sơn nguyên mang họ Khang, nhưng sau đó bà mẹ cải giá với An Diên Yểm nên lấy họ An. Lộc Sơn là phiên âm tiếng Hán của chữ Lushi, theo tiếng bản tộc có nghĩa là "ánh sáng". Lộc Sơn đầu quân làm tướng nhà Đường, nhờ chiến đấu dũng cảm và tỏ ra trung thành nên nhanh chóng được thăng tiến. Từ năm Khai Nguyên thứ 28 (740) đến năm Thiên Bảo thứ 10 (751), An Lộc Sơn được thăng từ Đô đốc Doanh Châu lên Tiết độ sứ ba trấn Phạm Dương (范陽; nay là khu vực vành đai Bảo ĐịnhBắc Kinh), Hà Đông (河東; tương đương khu vực Sơn Tây, Trung Quốc) và Bình Lư (平盧; thuộc khu vực Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh), nắm toàn bộ vùng Đông Bắc của Đại Đường khi đó. Tuy có trí thông minh nhưng An Lộc Sơn luôn tỏ ra vụng về ngốc nghếch khiến Đường Huyền Tông rất tin tưởng và nhận ông làm con nuôi. Dương Quý phi trở thành mẹ nuôi của Lộc Sơn, dù kém ông 16 tuổi. Mỗi khi vào cung bái kiến, An Lộc Sơn đều đến cung viện của Quý phi bái trước, sau mới đến bái Hoàng đế, Huyền Tông bèn hỏi vì sao, thì An Lộc Sơn đáp:「"Thần là người Hồ, mà người Hồ đặt mẹ ở trước cha"」, Huyền Tông cảm thấy An Lộc Sơn thật thà nên rất mừng, lệnh cho Dương Tiêm cùng các anh chị em họ Dương khác đều đối đãi với An Lộc Sơn như người nhà[38][39].

Nhiều truyền thuyết nói rằng, chính từ lúc ra vào triều kiến Đường, An Lộc Sơn và Dương Quý phi bắt đầu có quan hệ lén lút nhưng Huyền Tông không hề nghi ngờ mà càng thêm tín nhiệm Lộc Sơn. Thân hình An Lộc Sơn to béo bụng phệ, theo sử sách ghi lại thì người nặng tới 330 cân[40]. Hoàng đế thấy vậy hỏi, Lộc Sơn lại mau miệng đáp rằng bụng to vì mang lòng trung với Thiên tử, Đường Huyền Tông nghe thế lại càng tin Lộc Sơn.

Hai lần xuất cung

Bản thân Quý phi ỷ sủng thành kiêu ngạo, vào năm Thiên Bảo thứ 5 (750), rồi năm thứ 9 (754), từng hai lần cãi nhau với Huyền Tông, hậm hực ra khỏi cung[41][42][43]. Tất cả các sách trên đều không nói cụ thể vì việc gì, riêng Tư trị thông giám nói Quý phi: ["Đố hãn bất tổn"; 妒悍不逊], nhưng cũng không giải thích chân tướng. Kết cuộc là Đường Huyền Tông vì thương nhớ Quý phi, tiếp tục gọi về, qua hai lần như vậy bà càng được sủng ái hơn trước.

  • Năm Thiên Bảo thứ 5, tháng 7, là lần đầu tiên Dương Quý phi cậy sủng kiêu căng, đắc tội Huyền Tông nên bị đưa trả về nhà Dương Tiêm. Theo cả hai cuốn Đường thư, lần đầu tiên này sau khi đuổi Quý phi về, Đường Huyền Tông đều ăn uống không ngon. Cao Lực Sĩ biết ý Huyền Tông, xin ý đem những vật dụng trong viện của Quý phi cất lên xe trả về nhà họ Dương, cũng hơn trăm chiếc. Huyền Tông chưa từng ra lệnh này nên đại nộ quát mắng kẻ hầu dám đem đồ của Quý phi đi, thế là Cao Lực Sĩ nhận đó quỳ xuống thỉnh Huyền Tông đưa Quý phi về cung. Đêm đó, Cao Lực Sĩ theo cửa của An Hưng phường mà đưa Quý phi về cung, Quý phi dập đầu tạ tội Huyền Tông, từ đó ngày càng ân sủng không dứt[44][45]. Dương Tiêm vì vậy được thụ Tam phẩm, Thượng trụ quốc, nhà riêng được phép lắp vũ khí[46].
  • Năm Thiên Bảo thứ 9, Dương Quý phi lại một lần nữa bị trục xuất trở về nhà ngoại. Có quan viên tên là Cát Ôn (吉溫) biết được việc này, tâu lên Huyền Tông rằng:「"Đàn bà là những người không có đầu óc nhìn xa, nay ngỗ ngược Thánh ý, là vì Quý phi hưởng quá nhiều ân sủng. Bệ hạ hà cớ gì còn lưu giữ lại, chi bằng lập tức ban chết, lại còn tiếc mà để Quý phi có thể về nhà, đem cái tiếng xấu ra ngoài sao?!"」. Nghe vậy Huyền Tông hơi có lay động, khi dùng Ngự thiện thì chia ra cho Quý phi một phần, lập tức lệnh cho Trung ngự sử Trương Thao Quang (張韜光) đến truyền đạt ngự ý, Quý phi lạy tạ nói:「"Thiếp trái Thánh ý, tội thực đáng chết. Đồ cụ trang phục, là do Thánh ân ban thưởng, chưa tiện lấy đi, chỉ có tóc là do cha mẹ để lại, là căn bản"」, nói xong thì Quý phi dùng đao cắt tóc, đưa lại cho Thao Quang, nhờ truyền đến Huyền Tông. Thấy đoạn tóc này của Quý phi, Huyền Tông hoảng sợ, vội sai Cao Lực Sĩ đưa về, ân sủng vẫn như trước[47]. Tân Đường thư ghi lại tương đối khác chi tiết một chút, còn ghi thêm rằng Cát Ôn dâng lời này là do cùng Dương Quốc Trung thông đồng, nhằm phục sủng cho Quý phi[48].

Cả hai lần Dương Quý phi bị đưa về nhà, trong các sách sử đều không nói rõ ràng nguyên nhân, đây dẫn đến nhiều suy đoán trong chuyện này. Ở lần thứ nhất, nhiều suy đoán liên quan đến việc Đường Huyền Tông vẫn còn sủng ái Mai phi, Dương Quý phi ghen mà thất thố, Huyền Tông thịnh nộ nên đuổi về. Tuy nhiên, Mai phi cho đến nay được xác định là nhân vật hư cấu, học giả Lỗ TấnTrịnh Chấn Đạc đều phủ nhận sự tồn tại của Mai phi, do vậy nguyên nhân này không sát thực. Nhưng khi ấy rất nhiều giai thoại về sự phong lưu của Huyền Tông, và hình ảnh "Mai phi" được tạo ra có lẽ là phóng tác hóa cụ thể sự đa tình này của Huyền Tông, nên cách nói Dương Quý phi "vì ghen mà lỗ mãng" vẫn thường được duy trì. Mà lần thứ hai xuất cung, là khi nhà họ Dương đang quá thịnh sủng, nhiều nhận định cho rằng Đường Huyền Tông căn bản chính là dùng chiêu "Giết gà dọa khỉ", răn đe ngoại thích, điều này cũng thể hiện cơ sở ở việc Dương Quốc Trung phải nhờ Cát Ôn khéo léo phục sủng cho Quý phi.

Đường Huyền Tông và Dương Quý phi đứng trên sân thượng ngắm cảnh, tranh của họa sĩ người Nhật, Kano Eitoku